Văn bản mới

Liên kết website

Thống kê truy cập

Tin tức - Sự kiện

Hội nghị Kết nối cung cầu, xúc tiến, tiêu thụ cam Sành Hà Giang niên vụ 2016 - 2017

16/12/2016 00:00 319 lượt xem

CTTĐT - Sáng 14/12, tại UBND huyện Bắc Quang, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu, xúc tiến, tiêu thụ cam Sành Hà Giang niên vụ 2016 - 2017. Dự Hội nghị có lãnh đạo đơn vị hữu quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Sở Công thương các tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,... các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Về phía tỉnh, có các đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang; Lê Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị…

 

 

Thực tiễn cho thấy, sau biến động giảm mạnh về số lượng diện tích, từ năm 2013 đến nay, cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo tập trung phục hồi, phát triển vùng cam Sành hàng hóa và sản xuất cam theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, cây cam trở thành 1 trong 5 cây, con chủ lực của tỉnh để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020. Bên cạnh đó, tỉnh ta có nhiều chính sách cụ thể đối với cây cam, như: Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư thâm canh vườn cam theo quy trình VietGAP, với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 80 triệu đồng/ha; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản cam với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 500 triệu đồng/dự án... Đến nay diện tích cam toàn tỉnh đạt trên 7.900 ha. Trong đó, trên 1.400 ha cam sản xuất theo quy trình VietGap. Đồng thời, tỉnh ta đã có định hướng ổn định diện tích cam đến năm 2020 cùng sản lượng cam toàn tỉnh đạt 50.000 – 80.000 tấn/năm...


Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người trồng cam cần tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng "4 có", "5 cùng". Trong đó, tổ chức lại sản xuất phải đảm bảo sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, bắt đầu từ Chi bộ Đảng khu vực nông thôn. Nghị quyết của Đảng phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả việc liên kết “4 nhà”, liên kết thị trường, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cam Sành trên thị trường. Mặt khác, các địa phương tiếp tục rà soát quỹ đất, cơ chế, chính sách nhằm giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi… Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, thông qua Hội nghị này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người trồng cam nhằm nâng tầm hội nhập và đưa sản phẩm cam Sành Hà Giang trở thành thương hiệu Quốc gia, gắn với sản phẩm phục vụ du lịch của tỉnh…
 
Đặc biệt, tại Hội nghị này, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Công thương) đã công bố và trao Giấy Chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm cam Sành Hà Giang cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang – đơn vị tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Theo đó, khu vực chỉ dẫn địa lý bao gồm 21 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang; 10 xã của huyện Quang Bình và 7 xã, thị trấn của huyện Vị Xuyên… Đồng thời, 08 doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang với các hợp tác xã sản xuất cam Sành Hà Giang tại vùng trọng điểm cam của tỉnh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Các nhà vườn, hợp tác xã vừa ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang thực hiện đúng nội dung đã ký kết, lấy chữ tín làm trọng. Đồng thời, yêu cầu đơn vị hữu quan phối hợp, quản lý nghiêm tem, nhãn mác Cam VietGAP, tránh việc lợi dụng làm ảnh hưởng đến thương hiệu cam Sành Hà Giang. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nhằm đảm bảo chất lượng cam Sành Hà Giang…

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang


Tin khác